Sáng ngày 8/3/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Cư (Tịnh Biên), tổ chức Hội nghị thảo luận đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong cán bộ, công chức, đại diện các ban ngành, đoàn thể và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer.
Tại đây, các đại biểu được triển khai và giới thiệu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bao gồm: 16 chương và 236 điều, quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai; việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của công dân; người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội nghị cùng thảo luận, cho ý kiến một số nội dung trọng tâm, về: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giảm sát, kiểm soát quyền lực và hộ gia đình sử dụng đất.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt, đã thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 và giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân. Từ đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và thi hành Luật Đất đai khi được Quốc hội thông qua./.