Pháp luật

Cần chấm dứt tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú
Tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú tại các khu vực biên giới tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) đã tồn tại từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, chủ yếu ở địa bàn các xã biên giới thuộc các huyện Tây Giang, Nam Giang và huyện Đắc Chưng, Kà Lừm, gây khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu cũng như đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi cho công dân. Ngoài ra, tình trạng trên còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự cũng như phát triển kinh tế, xã hội của 2 tỉnh.

BĐBP Quảng Nam cấp lương thực, thực phẩm cho các hộ người Lào di cư sang sinh sống tại Quảng Nam

Những khó khăn

Theo số liệu của Sở Ngoại vụ Quảng Nam, tính đến nay, có 3 trường hợp người Việt Nam di cư tự do, cùng 7 người kết hôn không giá thú với người Lào tại huyện Đắc Chưng và có 11 người Việt Nam kết hôn không giá thú tại huyện Kà Lừm của Lào. Tại huyện Nam Giang, hiện có 11 trường hợp người Lào kết hôn không giá thú với người Việt Nam, sinh sống ở các xã Đắc Tôi, Đắc Pre, La Êê và thị trấn Thạnh Mỹ; 7 trường hợp người Lào di cư tự do sinh sống tại xã Đắc Tôi. Riêng huyện Tây Giang, hiện cũng có 11 trường hợp người Lào kết hôn không giá thú với người Việt Nam, thuộc địa bàn các xã biên giới A Xan, Ch’Ơm và Ga Ry.

Qua điều tra, khảo sát cho thấy, phần lớn các hộ dân di cư tự do và hôn nhân không giá thú hiện sinh sống ở các xã biên giới Việt - Lào đều rất khó khăn do không có hộ khẩu, thiếu đất sản xuất, việc học tập của con em gặp nhiều trở ngại do thiếu các loại giấy tờ cần thiết… Nhiều gia đình bày tỏ mong muốn được nhập quốc tịch của nước mà mình đang sinh sống, được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế…

Nói về những khó khăn trong việc xử lý tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú tại các khu vực biên giới, ông Thả Vông Phôm Mạ Lay Lụn, Phó Tỉnh trưởng Sê Kông, Lào cho biết, nguyên nhân sâu xa chính là vì dân cư hai bên biên giới có quan hệ họ hàng, thân tộc, có tập quán du canh, du cư từ lâu đời; trình độ nhận thức về quốc gia, quốc giới, chủ quyền lãnh thổ còn rất hạn chế; cơ sở hạ tầng, điều kiện làm ăn sinh sống rất khó khăn. Trong khi đó, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và Lào đang ngày càng được cải thiện, phát triển, vì vậy đã tác động đến những người dân của hai nước sống tại các tỉnh giáp biên muốn di cư tự do để làm ăn, sinh sống.

Bên cạnh đó, do thực hiện Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam - Lào dẫn đến việc dịch chuyển dân cư giữa một số địa phương hai nước, phần lớn người dân trước đây mà Việt Nam bàn giao cho Lào nay muốn quay lại Việt Nam cư trú ổn định, sum họp với dòng tộc và để hưởng các chế độ ưu đãi của Việt Nam. Riêng số dân di cư từ Lào sang Việt Nam hầu hết là những người lao động nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nói thông thạo tiếng Việt, tiếng địa phương…

Phó Tỉnh trưởng Sê Kông cũng bày tỏ lo ngại, thời gian tới, tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú ở các khu vực biên giới của hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông sẽ tiềm ẩn nhiều phức tạp hơn khi các cặp cửa khẩu được hoàn thành, khai thông.

Huy động cả hệ thống chính trị “vào cuộc”

Nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú tại các khu vực biên giới của hai địa phương, trong những năm qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ kinh phí ăn uống, thuốc men điều trị bệnh và chuyên chở những người Lào thuộc diện không được định cư Việt Nam trở lại quê hương. Ngoài ra, để nhanh chóng tạo điều kiện cho những người được phía bạn trao trả sớm ổn định cuộc sống, tỉnh Quảng Nam còn rà soát để làm thủ tục cấp đất ở, đất sản xuất cũng như đào tạo nghề cho những đối tượng này, vì đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, phòng ngừa và giải quyết tình trạng di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền và có sự phối hợp chặt chẽ thống nhất của các ban, ngành, đoàn thể.

BĐBP Quảng Nam thăm hỏi, động viên những gia đình người Lào di cư tự do sang Việt Nam sinh sống

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ biên giới của Lào thực hiện nghiêm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới giữa hai nước; làm tốt công tác trao trả, tiếp nhận người di cư tự do tại cửa khẩu biên giới theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực biên giới thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết dân di cư tự do; chủ động nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả với bọn phản động, các phần tử xấu lôi kéo, kích động người dân gây mất an ninh trật tự trên khu vực biên giới.

Mặt khác, để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số di cư trái phép sang Lào, huyện biên giới Nam Giang đã nỗ lực huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Ông Chơ Rum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho biết, trong những năm qua, chính quyền và các đoàn thể của huyện Nam Giang đã phối hợp chặt chẽ với các già làng, trưởng bản tăng cường tuyên truyền, vận động sâu rộng đến từng bản, từng hộ để đồng bào nhận thức rõ việc di cư trái phép là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đồng thời, cán bộ các xã trong huyện còn thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt ở bản; trực tiếp trao đổi, nói chuyện, tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc mà đồng bào đang gặp phải để cùng nhau tháo gỡ.

Căn cứ thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, thiết nghĩ, các bộ, ngành liên quan cần sớm có quy định cụ thể, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ; xem xét giảm lệ phí đối với việc cấp các loại giấy tờ cho những người được phép cư trú theo quy định của pháp luật. Vì hầu hết người đề nghị nhập quốc tịch, xin cư trú ở các tỉnh biên giới Việt - Lào đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống hết sức khó khăn.

Bộ Công an cần sớm có hướng dẫn cụ thể thực hiện quy trình, thủ tục xác minh, trao, nhận những người không được cư trú do phía Lào trao trả để có sự thống nhất thực hiện giữa các tỉnh giáp biên. Bên cạnh giải pháp về chính sách, thủ tục thì chính quyền các huyện biên giới cần chủ động xây dựng cơ sở vật chất để tiếp nhận, tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho những người di cư, xuất cảnh trái phép và kết hôn không giá thú khi quay về địa phương sinh sống. Đây là điều kiện cơ bản giúp họ sớm ổn định cuộc sống, yên tâm định cư, không để cho kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ.

 

Cần chấm dứt tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú
Các dân tộc Việt Nam