Một trong những lĩnh vực đã cho thấy rõ hiệu quả rõ rệt nhất, của hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc chính là xóa đói giảm nghèo. Việt Nam là một trong những quốc gia thành công về giảm nghèo, đồng thời cũng đã đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn.
Trong quá trình giảm nghèo ấn tượng này, Việt Nam đã nhận được những hỗ trợ tài chính quan trọng và trợ giúp kỹ thuật từ Liên hợp quốc thông qua các dự án hỗ trợ sinh kế bền vững cho các nhóm yếu thế trong xã hội.
Kể từ khi dự án nuôi cánh kiến đỏ được triển khai ở huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa, gia đình gia đình ông Hơ Văn Tông, người dân tộc Mông đã có thu nhập 1 năm khoảng 50 triệu đồng.
Dự án nuôi cánh kiến đỏ do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam triển khai từ năm 2007 - 2014, hỗ trợ cho hơn 7000 người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam phục hồi và phát triển nghề truyền thống của họ.
Với mục đích tạo ra sinh kế bền vững cho người dân Việt Nam, từ năm 1999 đến nay, UNDP đã triển khai hơn 150 dự án, giá trị mỗi dự án khoảng 50 nghìn đô la, hướng tới một cộng đồng cụ thể. Các dự án này có đặc điểm chung là kết hợp nhiều nội dung khác nhau, như bảo tồn đa dạng sinh học, với nâng cao đời sống người dân địa phương.
Đại diện của UNDP cũng cho biết, trong thời gian tới, các dự án hỗ trợ sinh kế bền vững của Liên hợp quốc và UNDP sẽ chủ yếu dựa trên các yếu tố: phát huy kiến thức bản địa và tập hợp ý kiến người dân, đầu tư kỹ thuật tiên tiến, cập nhật kiến thức về biến đổi khí hậu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm.
Đây cũng là những biện pháp hiệu quả giúp Việt Nam có thể hoàn thành những mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.