Y tế - Giáo dục

Ứng phó với biến thể Omicron SARS-CoV-2 tại An Giang
Ngày 06 tháng 01 năm 2022, Ban chỉ đạo phòng chống, dịch bệnh Covid-19 ban hanh Kế hoạch số 01/KH-BCĐ về việc ứng phó với biến thể Omicron SARS-CoV-2 tại An Giang

Biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi và được báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 24/11/2021. WHO xếp biến thể này vào nhóm biến thể đáng lo ngại và đặt tên là Omicron. Mặc dù còn cần xem xét và đánh giá tiếp tục xem biến thể Omicron có vượt qua Delta để trở thành biến thể chiếm ưu thế trong thời gian tới, tuy nhiên có nhiều khả năng biến thể Omicron sẽ lây lan ở mức độ toàn cầu. Đến ngày 17/12/2021 số ca nhiễm Omicron đang gia tăng trên khắp Nam Phi và đã xuất hiện ở khoảng 77 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có các nước châu Á - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ,... Nhiều nước đã nhanh chóng siết chặt các quy định về đi lại quốc tế để giảm thiểu nguy cơ biến thể xâm nhập.

Tại Việt Nam, ngày 28 tháng 12 năm 2021 Bộ Y tế đã phát đi báo cáo trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, nhằm chủ động kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó với biến thể Omicron như sau:

 

(Ảnh Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang)

1. Tăng cường giám sát, kiểm dịch quốc tế tại các cửa khẩu biên giới của tỉnh giáp với Campuchia.

Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế, tổ chức cách ly, xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt lưu ý đối với người nhập cảnh qua các cửa khẩu hoặc các chuyến tàu, chuyến xe có hành khách xuất phát từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron, bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ này (không cho phép cách ly tại nhà), bất kể tiền sử đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc COVID-19 trước đó (ngoại trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc ngắn ngày thì thực hiện theo Công văn số 10943/BYT-MT ngày 24/12/2021).

- Kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, tổ chức kiểm tra chốt chặn 24/24, đặc biệt là các đường mòn, lối mở; quản lý chặt chẽ các hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Tăng cường các biện pháp an ninh hàng hải, giám sát ngăn chặn và phát hiện sớm, xử lý nghiêm những trường hợp lên bờ, xuống tàu bất hợp pháp.

2. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp

Tổ chức các hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc tại cơ sở y tế, trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm phát hiện và thông báo sớm cho cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 có liên quan người nhập cảnh, trường hợp nghi ngờ tái nhiễm COVID-19 để thực hiện xét nghiệm kiểm tra; trong đó có thể có những trường hợp không phát hiện nhiễm trong quá trình cách ly kiểm dịch sau nhập cảnh.

Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp để tiến hành cách ly kiểm dịch, xét nghiệm theo quy định.

- Tiếp tục thực hiện giám sát, cách ly, xét nghiệm theo công văn số 10737/BYT-DP ngày 17/12/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19 biến thể Omicron.

3. Tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron

Các phòng xét nghiệm Real time-PCR chủ động nâng cao năng lực để phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thể Omicron bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gen S trong các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2.

Thực hiện gửi mẫu cho viện Pasteur-TPHCM làm xét nghiệm giải trình tự gen tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thuộc nhóm sau:

+ Người nhập cảnh trong vòng 28 ngày.

+ Người tái nhiễm COVID-19.

Tất cả các trường hợp trên, sau khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển đến Bệnh viện điều trị COVID-19 để cách ly điều trị và thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen.

- Tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể,...), chủ động phối hợp với viện Pasteur-TPHCM lấy mẫu giải trình tự gen để phát hiện biến thể/ biến chủng mới.

4. Tăng cường cập nhật thông tin liên tục trên thế giới về biến thể Omicron để có đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả

- Thường xuyên truy cập thông tin từ các trang tin điện tử chính thống như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Châu Âu (ECDC), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC),... để cập nhật tình hình trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp và thông báo đến người dân, cộng đồng.

- Cập nhật và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia, Chính phủ và Bộ Y tế.

- Tổ chức truyền thông hướng dẫn và truyền thông nguy cơ đúng mức, phù hợp và hiệu quả về biến thể Omicron đến người dân và cộng đồng.

5. Triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế

- Các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện kế hoạch số 4681/KH-SYT ngày 23/12/2021 của Sở Y tế về việc tiêm liều bổ sung và tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 tỉnh An Giang.

- Cập nhật hàng ngày tình hình tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại các địa phương trong tỉnh, báo cáo hàng ngày cho BCĐ PCD của tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.

6. Kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống đáp ứng chống dịch từ cấp Tỉnh đến cấp huyện và cấp xã. ng phó linh hoạt tùy thuộc theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra.

Tiếp tục kiện toàn về nhân sự, quy trình hoạt động và triển khai hiệu quả các đội đáp ứng chống dịch của tỉnh, huyện và xã; đồng thời, kết nối để trở thành một mạng lưới đồng bộ, hiệu quả trong công tác tổ chức giám sát, cảnh báo và can thiệp hiệu quả kịp thời đối với dịch bệnh trên địa bàn.

Khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại tỉnh, tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu và người tiếp xúc gần để khẩn trương xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Tùy theo mức độ nguy hiểm về khả năng lây lan và gây bệnh nặng của biến thể Omicron được cập nhật, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tương ứng như truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt đối với người tiếp xúc gần (F1).

Theo dõi, phân tích dữ liệu theo nhóm, chuỗi người nhiễm Omicron để đánh giá mức độ lây nhiễm, mức độ nặng, tử vong,... từ đó đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

7. Tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các Trạm Y tế lưu động; tổ chức chăm sóc F0 tại cộng đồng.

- Các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thiết lập Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các Trạm Y tế phường, xã, thị trấn để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

- Triển khai mở rộng phần mềm kết nối giữa người bệnh với nhân viên y tế và cơ quan quản lý F0 tại địa phương nhằm chăm sóc và hỗ trợ cho F0 đang cách ly điều trị tại nhà trên địa bàn toàn tỉnh.

- Huy động lực lượng đội ngũ Hội thầy thuốc trẻ và các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập tổng đài (0296)1022 để tư vấn, hướng dẫn theo dõi sức khỏe F0 điều trị tại nhà.  

8. Tiếp tục và duy trì hoạt động các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Tăng cường năng lực hệ thống thu dung điều trị COVID-19, tránh quá tải cơ sở y tế, phân loại và chuyển tầng hợp lý, không để bệnh nhân thiếu sự chăm sóc nên chuyển nặng. Tập huấn, đào tạo các cơ sở điều trị tuyến huyện thị để đáp ứng nhu cầu tình hình diễn biến phức tạp của nhiễm biến thể Omicron.

- Tiếp tục và duy trì hoạt động các cơ sở điều trị COVID-19 theo phân tầng các cấp. Các cơ sở điều trị rà soát, bổ sung và đề xuất những trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết để phục vụ bệnh nhân./.

Ứng phó với biến thể Omicron SARS-CoV-2 tại An Giang