Kinh tế - Xã hội

Quan tâm hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, trăn trở, đó là việc thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói, giảm nghèo. Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình giảm nghèo bền vững, với số tiền 48.000 tỷ đồng và 21 chương trình mục tiêu hiện nay đều thiết kế tập trung cho vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình nông thôn mới…

Khu vực miền núi được đầu tư nhiều gấp bốn lần so với khu vực bình quân chung. Thế nhưng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa… vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Vấn đề cần được quan tâm hiện nay là tiếp tục mở rộng, phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo về khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, nghệ thuật… cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thanh niên, thiếu niên. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Đã có nhiều mô hình đào tạo thành công trong lĩnh vực này. Tiêu biểu là Bộ Quốc phòng, Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từng đồng ý để Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội mở các khóa đào tạo gần 1.600 học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi ra trường, các em đều trở về quê hương và trở thành nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, an sinh xã hội tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có những thời điểm quan trọng, các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số của nhà trường trở về quê hương, cùng với cán bộ MTTQ các địa phương tham gia tuyên truyền, giải thích chính sách và pháp luật của Nhà nước cho đồng bào mình. Với sự am hiểu phong tục, ngôn ngữ, lối sống, suy nghĩ của người dân tộc mình, các bạn trẻ đã góp phần động viên người thân, bà con tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động, sản xuất, không nghe theo lời kích động của các phần tử phản động. Thế nhưng, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, khóa đào tạo quan trọng này chưa thể tiếp tục, trong khi nhu cầu của các học sinh người dân tộc thiểu số đến với nhà trường là rất lớn.

Liên quan vấn đề này, vừa qua, tại Phiên họp toàn thể lần thứ sáu Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các thành viên Hội đồng Dân tộc đã dành thời gian thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010 - 2017”. Theo đó, nhờ chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển toàn diện ở tất cả các ngành học, cấp học: Quy mô trường lớp, số lượng học sinh tăng nhanh; tỷ lệ huy động trẻ đến trường năm sau cao hơn năm trước; công tác phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được duy trì, củng cố vững chắc. Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi những năm qua đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị của cả nước nói chung và các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số nói riêng.

Cử tri, nhân dân và nhất là thanh niên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn đối với các dự án lớn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nơi đây. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, qua đó góp phần quan trọng đưa những chủ trương, chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tế cuộc sống. Tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời quy định của pháp luật về hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thông qua ban hành nhiều nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, chính sách. Trong đó có chương trình mục tiêu giáo dục; đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên; chính sách đào tạo cử tuyển, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học; chế độ ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên công tác tại các trường chuyên biệt, ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 

Quan tâm hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số