Chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước là vấn đề mang tính chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc góp phần quyết định đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước.
Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn trao tặng tranh lưu niệm cho Đại hội
Căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Trung ương về tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh An Giang báo cáo tình hình kết quả thực hiện công tác dân tộc từ năm 2009 - 2014 và định hướng đến năm 2019 như sau:
PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
CÔNG TÁC DÂN TỘC TỪ NĂM 2009 - 2014
I. TÌNH HÌNH CHUNG
An Giang là một tỉnh miền Tây Nam bộ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, có nhiều thuận lợi về nguồn nước, đất đai được phù sa bồi đắp hàng năm nên có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó thế mạnh của tỉnh là sản xuất lúa, hoa màu và cá; có đường biên giới dài gần 100 km, giáp với Vương quốc Campuchia.
Về địa giới hành chính: Tỉnh có 08 huyện, 01 thị xã, 02 thành phố và 156 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 18 xã biên giới, 38 xã dân tộc, 23 xã khó khăn theo Quyết định 1049/2014/QĐ-TTg và 17 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 495/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Dân số toàn tỉnh 2.155.323 người, với 539.347 hộ. Đồng bào dân tộc thiểu số 114.128 người, với 27.296 hộ, chiếm tỉ lệ 5,29% dân số toàn tỉnh. Có 03 dân tộc thiểu số có dân số khá đông là Khmer, Hoa, Chăm cùng chung sống lâu đời. Dân tộc Khmer toàn tỉnh có 91.138 người (22.631 hộ) chiếm 4,19%; dân tộc Chăm có 14.358 người (3.518 hộ), chiếm 0,66% và dân tộc Hoa có 8.282 người (2.024 hộ), chiếm tỉ lệ 0,37% dân số toàn tỉnh.
Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh An Giang tiếp tục tăng trưởng khá, GDP bình quân đạt 10,34%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2013 đạt 33,07 triệu đồng. Lĩnh vực kinh tế - xã hội tiến bộ trên nhiều mặt, phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo có nhiều chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo QĐ 170/2005/QĐ-TTg) 7,2% năm 2009 (34.536 hộ) xuống còn 3,59% (18.756 hộ) vào cuối năm 2010, tỷ lệ bình quân giảm 1,8%/ năm; chuẩn nghèo mới (theo QĐ 09/2011/QĐ-TTg) vào năm 2011 là 9,16% (47.979 hộ) xuống còn 4,96% (26.945 hộ) vào cuối năm 2013, tỷ lệ bình quân giảm 1,4%/năm.
Riêng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trong thời gian qua giảm từ 27,32% (5.993 hộ) năm 2009 xuống còn 20,5% (4.550 hộ) vào năm 2010 (chuẩn cũ), bình quân giảm 3,41%/năm (722 hộ/năm); năm 2011 (chuẩn mới) hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 28,57% (7.489 hộ) xuống còn 17,43% (4.870 hộ) vào năm 2013, giảm 3,71%/năm (873 hộ/năm).
Đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh An Giang đa số là người dân tộc Khmer (chiếm gần 80% dân tộc thiểu số cả tỉnh) và tập trung nhiều nhất ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh biên. Do đó, số lượng hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh giảm nghèo nhiều nhất là nhóm hộ đồng bào dân tộc Khmer ở hai huyện này.
II. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN TỘC
1. Về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo
Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung sử dụng các nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các xã đặc biệt khó khăn để chăm lo các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số như:
Chương trình 135 (2012 - 2014) đầu tư trong 03 năm với kinh phí 43,8 tỷ đồng gồm xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Quyết định 74/2008/QĐ-TTg (2009-2011) về chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, với tổng số vốn đầu tư là 124,6 tỷ đồng, hỗ trợ đất ở, học nghề, vay vốn chuyển đổi nghề, mua máy móc, nông cụ, hỗ trợ lao động làm việc ngoài tỉnh; đang triển khai Quyết định 29/2013/QĐ-TTg (2013-2015) về hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, kinh phí là 43,2 tỷ đồng. Đã xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 1592/QĐ-TTg (năm 2012) với kinh phí 18,3 tỷ đồng, đầu tư 19 hạng mục công trình nước sinh hoạt; đang tiếp tục triển khai Quyết định 755/QĐ-TTg (2014 - 2015) về cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí là 49,8 tỷ đồng.
Đối với Quyết định 33/2007/QĐ-TTg và Quyết định 1342/QĐ-TTg (2009 - 2014) về thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, đã hỗ trợ đất ở cho 820 hộ, kinh phí 16,4 tỷ đồng. Hàng năm, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg (2010 – 2014) cho 282.695 khẩu, tổng kinh phí 23,15 tỷ đồng. Triển khai Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg và Quyết định 56/2013/QĐ-TTg về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; từ năm 2012 đến nay, có 330 người dân tộc (Khmer 243, Chăm 34, Hoa 49, DT khác 04) được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, kinh phí thực hiện chính sách là 329 triệu đồng. Thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg và Quyết định 1977/QĐ-TTg về cấp ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, trong 02 năm 2013, 2014, đã cấp miễn phí 22 đầu báo, tạp chí với số lượng 286.116 tờ. Thực hiện hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn buôn bán, phát triển sản xuất ưu đãi theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg (2007 - 2011) và Quyết định 54/2012/QĐ-TTg (2012 - 2015), từ năm 2009 - 2014, tổng doanh số cho vay là 4,22 tỷ đồng, với số hộ được vay vốn là 728 hộ.
Các chính sách khác như Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (2009 - 2012), đã hỗ trợ cho 1.764 hộ, với kinh phí gần 50 tỷ đồng. Tỉnh còn hỗ trợ xây dựng 64 lò hỏa táng cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong năm 2012-2014, với kinh phí là 38,4 tỷ đồng; đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 57/61 chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
Việc bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc cũng luôn được quan tâm. Toàn tỉnh có 33 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 49 nghề tiểu thủ công nghiệp ở 78 địa bàn trong tỉnh, với 6.181 hộ, giải quyết việc làm cho 18.324 lao động, trong đó, vùng dân tộc có 02 làng nghề và 04 nghề tiểu thủ công nghiệp. Tỉnh còn thực hiện “Đề án phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp cho đồng bào dân tộc Khmer và Chăm, giai đoạn 2008-2012" nhằm đẩy mạnh hỗ trợ vay vốn và thiết bị góp phần ổn định sản xuất cho các hộ tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 3 năm 2011-2013 với số tiền 1,4 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ làng nghề về trang thiết bị dệt thổ cẩm Khmer (Văn Giáo), Chăm (Châu Phong) và mở các lớp tập huấn kỹ thuật dạy nghề truyền thống.
2. Về văn hóa - xã hội
Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Biên Cương trao tặng bức trướng cho Đại hội
a) Đối với hệ thống giáo dục:
Tỉnh có 01 Trường phổ thông Dân tộc nội trú có 2 cấp học: Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dành cho học sinh dân tộc Khmer, đặt tại thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn; 01 Trường trung học cơ sở Dân tộc bán trú, đặt tại thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên; các học sinh được học chữ Khmer trong chương trình chính khóa. Đang xây dựng mới Trường phổ thông trung học dân tộc nội trú tỉnh An Giang tại thành phố Châu Đốc dành cho học sinh dân tộc Khmer, Chăm, dự kiến hoạt động vào năm 2015-2016. Trên cơ sở vật chất Trường trung học cơ sở Thủ Khoa Huân - thành phố Châu Đốc, tổ chức cho học sinh dân tộc Chăm khu vực thị xã Tân Châu, huyện An Phú và Châu phú được học nội trú.
Tổng số học sinh dân tộc thiểu số năm học 2013 - 2014 là 17.319 học sinh (Tiểu học: 10.396 học sinh, trung học cơ sở: 5.611 học sinh, trung học phổ thông: 1.312 học sinh), chiếm tỷ lệ 5,12% học sinh toàn tỉnh, giáo viên người dân tộc thiểu số là 665 giáo viên (Khmer: 563 người, Chăm: 18 người, Hoa: 84 người) trong đó: đại học là 386 người, sau đại học là 5 người. Năm học 2013-2014 học sinh dân tộc thiểu số toàn tỉnh đậu tốt nghiệp trung học phổ thông là 434/486 học sinh dự thi, chiếm 89,3%.
Vùng đồng bào dân tộc Khmer: Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT qua các năm tăng dần, năm học 2009-2010 là 62/81 học sinh, chiếm 76,5%; năm học 2010-2011 là 88/91 học sinh, chiếm 96,7%; năm học 2011-2012 đến nay đều đạt 100%. Số lượng giáo viên, công viên chức người dân tộc thiểu số là 30/76 người (chiếm 39,4%), trong đó, trình độ chuyên môn: thạc sĩ 02, đại học 20, cao đẳng 01, trung cấp 01.
Dạy song ngữ tiếng Việt - Khmer: Mỗi trường có dạy tiếng dân tộc Khmer được bố trí thêm 01 biên chế, định mức dạy 23 tiết/tuần đối với tiểu học, 17 tiết/tuần đối với trung học cơ sở và 15tiết/tuần đối với trung học phổ thông.
Vùng đồng bào dân tộc Chăm: Do không có giáo viên nên hàng năm hợp đồng 03 nhân sĩ của thánh đường Chăm tham gia giảng dạy 02 lớp tại Trường tiểu học D Khánh Hòa, huyện Châu Phú và 03 lớp tại Trường tiểu học D Châu Phong, thị xã Tân Châu. Ngoài ra, còn có 04 điểm dạy tiếng Chăm ở 04 thánh đường ở thị xã Tân Châu.
Học sinh dân tộc thiểu số ở các trường phổ thông dân tộc nội trú đều được miễn học phí, được nhận học bổng, khen thưởng. Giáo viên được hưởng các chế độ như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm, nhà ở xa được lưu trú tại khu tập thể, bồi dưỡng tiếng Khmer ngữ...
Vùng đồng bào dân tộc Hoa: do kinh tế gia đình ổn định, nên người Hoa có điều kiện và rất quan tâm đến việc học tập của con em mình. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều đến trường. Việc học chữ Hoa được duy trì ở một số địa phương có đông người Hoa như Trung tâm Hoa ngữ ở TP.Long Xuyên và thị xã Châu Đốc, mỗi năm mở 02 đến 04 khóa học, mỗi khóa học khoảng 05 lớp, bình quân 60 học viên/khóa học. Hội tương tế người Hoa thị xã Tân Châu cũng tổ chức dạy hoa ngữ miễn phí cho con em người Hoa và những người có nhu cầu học tại trụ sở Hội.
Thực hiện Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân, số lượng học sinh dân tộc thiểu số được cử tuyển từ năm 2009-2014 là 113 em (đều là dân tộc Khmer).
Thực hiện nghị định 49/2010/NĐ-CP và nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2013 - 2014, tổng kinh phí là 87,39 tỷ đồng, bao gồm: hỗ trợ chi phí học tập cho 112.345 học sinh, số tiền 70,78 tỷ đồng, trong đó có 8.553 học sinh là dân tộc thiểu số, số tiền 5,39 tỷ đồng; cấp trực tiếp, miễn giảm học phí cho 6.455 học sinh - sinh viên, số tiền 16,61 tỷ đồng, trong đó có 420 học sinh - sinh viên là dân tộc thiểu số, số tiền 1,2 tỷ đồng.
b) Về đào tạo, dạy nghề:
Hiện nay, toàn tỉnh có 33 cơ sở dạy nghề gồm 01 Trường Cao đẳng nghề, 03 Trường trung cấp nghề, 10 Trung tâm dạy nghề và 19 cơ sở dạy nghề. Riêng đối với đồng bào dân tộc Khmer, có 01 Trường trung cấp Nghề dân tộc nội trú tỉnh tại xã Núi Tô, huyện Tri Tôn hoạt động từ năm 2010 đến nay, quy mô đào tạo 800 học sinh, học viên là người dân tộc Khmer chiếm 90%.
Trong năm 2009, tỉnh đã phê duyệt “Dự án phát triển sản xuất Tiểu thủ công nghiệp cho người dân tộc Khmer, Chăm”, đã tổ chức 03 đoàn đại diện người dân tộc Khmer, Chăm đi khảo sát, học tập kinh nghiệm, mô hình sản xuất ở các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Thuận; mở 04 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm Khmer cho 48 học viên; tổ chức 04 lớp tập huấn chuyên đề định hướng phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, tổ chức sản xuất cho 276 học viên tại các huyện, thị xã.
Đối với đồng bào Chăm trong năm 2012 - 2014, tỉnh đã hỗ trợ 42 triệu đồng cho cơ sở dệt thổ cẩm Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu để mua máy móc thiết bị, tham gia Hội chợ triển lãm và mở lớp tập huấn kỹ thuật thêu rua cho 30 học viên người dân tộc Chăm.
Đối với đồng bào Khmer từ năm 2011 - 2014, tỉnh hỗ trợ làng nghề đệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo kinh phí 777 triệu đồng để xây dựng nhà trưng bày quảng bá sản phẩm, xây dựng biển chào làng nghề phục vụ du lịch, trang bị khung dệt và máy may; hỗ trợ lò nấu đường thốt nốt cho 108 hộ, kinh phí trên 01 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chế biến đường thốt nốt và dệt thổ cẩm cho 60 học viên.
c) Về hoạt động văn hóa, lễ hội:
Trong những dịp lễ hội dân tộc như Tết Chôl-Chnăm-Thmây, Đônta của đồng bào Khmer, tháng chay Ramadan, đón tết Roya của đồng bào Chăm, tết Nguyên Đán của đồng bào Hoa đều được Lãnh đạo tỉnh, các cấp ngành quan tâm tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức lễ theo phong tục cổ truyền với sinh khí vui tươi, phấn khởi, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Nhân dịp lễ tết, tỉnh đều tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà cho các chùa, thánh đường, gia đình chính sách, các vị chức sắc, cán bộ tiêu biểu người dân tộc thiểu số.
Các hoạt động văn hóa, lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer như Tết Chôl-Chnăm-Thmây, Lễ Đônta, Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh An Giang... được tổ chức hàng năm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào, lễ hội đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Riêng năm 2011, tỉnh An Giang đăng cai tổ chức “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần V tại huyện Tịnh Biên diễn ra với rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và Du lịch. Hàng năm, vào dịp Lễ Đônta, 02 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên luân phiên tổ chức “Lễ hội đua bò Bảy Núi” truyền thống và đã tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về “Lễ hội đua bò Bảy Núi” và đang đề nghị nâng lên thành lễ hội cấp quốc gia.
Đối với đồng bào dân tộc Hoa, các hoạt động văn hóa truyền thống như múa Lân Sư Rồng trong dịp lễ tết, đội văn nghệ hoạt động khá tốt trong các ngày lễ hội được cộng đồng người Hoa hưởng ứng tích cực. Đồng bào Hoa luôn có ý thức giữ gìn, bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc; những năm qua, người Hoa trong và ngoài tỉnh đã vận động, quyên góp kinh phí xây dựng, tôn tạo các công trình chùa, miếu như Quan Đế miếu, Bắc Đế miếu ở TP. Long Xuyên, Quan đế miếu ở Tân Châu, xây dựng trụ sở Hội tương tế người Hoa và đền thờ Khổng Tử ở Châu Đốc.
Văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc Chăm cũng được duy trì và phát huy. Có nơi đã xây dựng được đội văn nghệ dân tộc Chăm, đội đua ghe Ngo, đội bóng đá, bóng chuyền, hàng năm đều tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao ở cấp huyện, thị, cấp tỉnh và ngoài tỉnh. Ngày hội văn hóa đồng bào dân tộc Chăm của tỉnh được luân phiên tổ chức hàng năm tại các huyện có đông đồng bào Chăm sinh sống. Hàng năm, tỉnh còn tổ chức Liên hoan mùa nước nổi Búng Bình Thiên với chương trình biểu diễn văn hoá nghệ thuật, các trò chơi dân gian và các môn thể thao. Ở vùng có đông đồng bào dân tộc Chăm còn tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ như Hội thi xướng Kinh Co-ran; làng Chăm nhớ ơn Đảng, nhớ ơn bác Hồ,…
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và phục hồi những giá trị văn hóa đang có nguy cơ thất truyền, mai một trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện như: kiểm kê sưu tầm “Nghi lễ vòng đời” và âm nhạc dân tộc Chăm; khảo sát nhu cầu sử dụng nhạc cụ truyền thống của các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer; mở lớp dạy nghệ thuật diễn tấu Đàn Chpay cho 06 học viên là người Khmer tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn.
Về xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc được quan tâm triển khai nâng chất. Đến nay, tính riêng trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có 12.980 hộ được công nhận gia đình văn hóa nhiều năm, 20 ấp có đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận ấp văn hóa, 19 chùa được công nhận nơi thờ tự văn hóa.
d) Về thông tin, truyền thông:
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có chương trình phát thanh 2 giờ/ngày và phát sóng truyền hình 7 giờ/ngày bằng tiếng dân tộc Khmer trên truyền hình tiếng dân tộc ATV2. Nội dung các phóng sự, tin bài, chuyên mục tuyên truyền trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số; những thay đổi, phong trào xây dựng đời sống và những mô hình làm ăn mới đem lại hiểu quả, các chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc hiểu số... Tất cả các xã trong vùng đồng bào dân tộc đều được trang bị loa truyền thanh hoạt động 2 buổi trong ngày. Công tác thông tin, cổ động qua hình thức phát thanh, pano, áp phích ở vùng đồng bào dân tộc đều được phát và in bằng 02 thứ tiếng Việt và Khmer.
Việc cấp phát báo, tạp chí miễn phí theo Quyết định 975/QĐ-TTg ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện trên địa bàn tỉnh, hàng năm cấp phát theo các địa chỉ quy định với 19 đầu sách báo, tạp chí.
e) Về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho vùng đồng bào dân tộc:
Đối với việc phát triển mạng lưới y tế. Đến nay, mạng lưới y tế ổn định từ tuyến huyện đến xã phường, khóm ấp. Tại tuyến huyện có 04 đơn vị y tế: Phòng y tế huyện, bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm y tế huyện, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện; 100% xã đều có trạm y tế có đủ cán bộ phục vụ sức khỏe nhân dân.
Về công tác khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế. Hoạt động khám chữa bệnh tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo, các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được miễn giảm viện phí theo quy định. Đồng bào dân tộc thuộc hộ được cấp thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc từ kinh phí của quỹ khám chữa bệnh người nghèo. Tỉnh cũng đã thực hiện hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ bào hiểm y tế đối với thành viên hộ cận nghèo tham gia BHYT tự nguyện. Từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, hỗ trợ thêm 30% mệnh giá mua BHYT tự nguyện cho người cận nghèo và vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ 20% còn lại cho người cận nghèo.
Công tác phòng chống dịch bệnh. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao ý thức đồng bào dân tộc tham gia phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả nhiều dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng. Nhiều dịch bệnh đã được khống chế, hạn chế tỷ lệ tử vong.
Công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ, trẻ em và dân số kế hoạch hóa gia đình được chăm lo và đạt nhiều tiến bộ, số người sinh con thứ ba giảm, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi khoảng 20%, các loại dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi.
3. Về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng
Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt. Các địa phương luôn tôn trọng sự tự do tín ngưỡng, đồng thời hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo đúng pháp luật.
Trong thời gian qua, Chính quyền luôn tạo điều kiện cho các chùa Khmer thực hiện các hoạt động Phật sự theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước; các chùa Khmer phát huy tốt việc tu học, hành đạo, kết hợp hài hòa giữa đạo và đời. Tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Hoa được tôn trọng, bảo tồn qua việc thờ cúng đa thần, thờ cúng tổ tiên, đáp ứng nhu cầu về tinh thần của đồng bào; các mối quan hệ đồng hương, đồng tộc, giúp đỡ nhau trong kinh doanh, buôn bán, sinh hoạt đời sống hàng ngày cũng được duy trì tốt. Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Chăm được thực hiện theo giáo luật của Hồi giáo; người Chăm An Giang có nhiều quan hệ với người Chăm ở ngoài ngoài, nên có điều kiện cho con em đi du học, mời giáo viên người nước ngoài về mở lớp… tất cả hoạt động trên đều được chính quyền tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ.
4. Về công tác tuyên truyền
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp đặc biệt quan tâm thực hiện; các tài liệu tuyên truyền được cung cấp đến các xã, phường, thị trấn có đông đồng dân tộc thiểu số sinh sống với nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với bà con nông dân và đồng bào tôn giáo, dân tộc. Hàng năm, còn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ thực hiện kế hoạch tuyên truyền về chủ trương, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc.
Việc thông tin, tuyên truyền, cấp phát miễn phí các ấn phẩm, báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cũng góp phần quan trọng trong việc tiếp cận nhu cầu thông tin, giúp chuyển đổi nhận thức trong đồng bào dân tộc, tạo động cơ thúc đẩy nâng cao trình độ dân trí, biết cách tự bảo vệ, giữ gìn sức khỏe, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh.
5. Về an ninh - quốc phòng
Cấp uỷ, chính quyền cơ sở ngày càng nhận thức tốt hơn về ý nghĩa, chiến lược đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc. Chính sách đối với người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên hàng năm, mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền, mặt trận, đoàn thể đối với các sư sãi, à cha ngày càng được củng cố, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tình hình tranh chấp, khiếu kiện của đồng bào dân tộc được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết cơ bản nên trong thời gian qua đã giảm đáng kể. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng tổ, ấp vùng đồng bào dân tộc ngày càng vững chắc. Công tác đối ngoại với 02 tỉnh Takeo, Kandan (Campuchia) tiếp tục được duy trì và nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, nhất là ở các vùng giáp biên giới giữa hai nước.
6. Về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở
Để kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, công tác đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số cũng được quan tâm thực hiện. Hiện nay, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng tăng.
Qua tổng hợp trên 100 đơn vị sở, ngành, tổ chức, đoàn thể tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố trong năm 2014, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là 1.679 người, trong đó: dân tộc Khmer 1.456 người (nam 874 người, nữ 582 người), chiếm 86,7%; dân tộc Hoa 134 người (nam 72 người, nữ 62 người), chiếm 7,98%; dân tộc Chăm 80 người (nam 49 người, nữ 31 người), chiếm tỷ lệ 4,76%; các dân tộc khác là 09 người (nam 02 người, nữ 07 người), chiếm 0,55%. Số lượng đảng viên người DTTS là 541 người, chiếm 32,22%.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được bầu vào Ban chấp hành, cấp ủy của từng cấp: cấp tỉnh 01 người, cấp huyện 06 người. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số các cấp: 258 người, trong đó, cấp tỉnh 04 người, cấp huyện 15 người và cấp xã 239 người. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các cấp: 12 người, trong đó, cấp huyện 01 người, cấp xã 11 người.
Biên chế cán bộ, công chức trong cơ quan dân tộc toàn tỉnh là 36 người, trong đó, cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là 09/36 người. Cấp tỉnh có 05/14 cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số (03 Khmer, 01 Hoa, 01 Chăm); cấp huyện có 04/22 cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số (02 Khmer, 02 Chăm).
7. Đào tạo nguồn nhân lực
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của tỉnh trong thời gian qua đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, ngoài những chính sách chung của Nhà nước, tỉnh cũng ban hành một số chính sách khuyến khích áp dụng riêng cho địa phương nhằm động viên, khuyến khích, hỗ trợ một phần khó khăn, tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm học tập, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2011 đến 2013, đã đào tạo, bồi dưỡng cho 158 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số về lý luận chính trị (05 người), quản lý nhà nước (27 người), kỹ năng, nghiệp vụ (101 người), đào tạo sau đại học (10 người), đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài (15 người).
Công tác tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cũng qui định chế độ ưu tiên trong thi tuyển và xét tuyển. Từ năm 2010 đến 2013, đã tuyển dụng 253 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, trong đó, đại học 125; cao đẳng 76; trung cấp 41 và sơ cấp 11.
8. Công tác xây dựng nông thôn mới
Đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang thường sống tập trung ở địa bàn nông thôn, miền núi, cho nên xác định công tác dân tộc đối với An Giang cũng là thực hiện Chương trình nông thôn mới của tỉnh.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang cũng đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 23/10/2007 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015. Đây là Nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, các chính sách dân tộc được Trung ương tập trung đầu tư với nguồn vốn khá lớn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo bằng những nghị quyết, đề án, dự án các chương trình, chính sách rất thiết thực, nên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nông thôn nói riêng có nhiều khởi sắc: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại và đầu tư đạt được kết quả khả quan; nhất là lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Các chính sách về dân tộc đã được phối hợp, triển khai hỗ trợ kịp thời, giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được cấp nhà ở, đất ở, được hỗ trợ vay vốn tập trung phát triển sản xuất, mức sống của đồng bào dân tộc ngày được nâng cao. Từ những con đường lầy lội trong các phum, sóc trước đây, đến nay các tuyến đường huyết mạch vùng nông thôn đều được bê tông, nhựa hóa, đường làng được xây dựng sạch đẹp, 100% xã có đường giao thông cho xe cơ giới đến trung tâm xã, góp phần quan trọng trong việc giao thương giữa các vùng. Đặc biệt thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hóa, phát triển mạnh mẽ kinh tế biên mậu thông qua 02 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương và cửa khẩu quốc gia Khánh Bình với nước bạn Campuchia.
Qua triển khai, thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới tạo được chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở địa bàn các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, góp phần ổn định cuộc sống của bà con.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA ĐẠI HỘI TỈNH LẦN I
Từ sau Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần I năm 2009, với tinh thần khẩn trương, tập trung vào công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt trong nội bộ, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền, phổ biến đến các vị chức sắc, chức việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách dân tộc.
Các ban, ngành đã tham mưu lãnh đạo tỉnh xây dựng nhiều chương trình, đề án, dự án như Đề án chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, kết hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, Đề án 25 thực hiện Quyết định 74 của chính phủ,… Tỉnh cũng đã thành lập các Ban chỉ đạo, Ban điều hành để triển khai các kế hoạch, dự án thực hiện chính sách dân tộc. Bên cạnh đó, Tỉnh còn ban hành nhiều chính sách kêu gọi đầu tư đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu gắn với phát huy lợi thế về dịch vụ, du lịch, tạo đòn bẩy phát triển vùng Bảy núi - vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Tỉnh cũng đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer - Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020 với 07 dự án nhánh, đã phân cho các sở, ngành triển khai thực hiện, trong đó, đã trình Chính phủ kêu gọi tài trợ 02 dự án nhánh.
Tính đến năm 2013, việc thực hiện chương trình hành động của Đại hội lần I (2009) đã đạt được một số kết quả như sau:
Về công tác xóa đói, giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,43% (4.870 hộ), bình quân mỗi năm giảm 3,71%/năm (Kế hoạch 2015: 12%). Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông được tập trung đầu tư, các hộ nghèo được cấp nhà ở, đất ở, về cơ bản không còn nhà xiêu vẹo tạm bợ, nhiều hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, chiếm tỷ lệ 83% (kế hoạch 2015: 90%); số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày một tăng, chiếm 81% (kế hoạch 2015: 80%); số hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh dần được cải thiện (chiếm tỷ lệ 48%). Mặt bằng dân trí được nâng lên; mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ được thực hiện; Tỉnh có trường dành riêng cho học sinh dân tộc Khmer; một số điểm trường có dạy tiếng Chăm, đối với tiếng Hoa được dạy ở các trung tâm ngoại ngữ; tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu số trong độ tuổi (6-14 tuổi) đến trường đạt 66,26% (kế hoạch 2015: 87%). Mức hưởng thụ văn hoá phát triển phong phú hơn, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc được từng bước được nâng cao; văn hóa truyền thống của dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy thông qua các lễ hội, tết truyền thống của đồng bào dân tộc. Mạng lưới y tế vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được củng cố; 100% xã đều có trạm y tế có đủ cán bộ phục vụ sức khỏe nhân dân, 58,62% trạm y tế xã có bác sĩ; các loại bệnh dịch cơ bản được ngăn chặn và đẩy lùi.
Việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số cũng giúp cho hệ thống chính trị ở các vùng dân tộc, miền núi, biên giới được tăng cường và củng cố, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số có đủ trình độ, năng lực tham gia vào công tác chính quyền ngày một tăng; công tác giải quyết khiếu kiện được thực hiện tốt, số lượng khiếu kiện giảm nhiều. Tình hình chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững; quan hệ đối ngoại với các tỉnh giáp biên giới Campuchia được duy trì ổn định.
Nhìn chung, việc thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, tuy có một số chỉ tiêu chưa đạt, nhưng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, giúp họ nâng cao dần mức sống, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa cộng đồng các dân tộc, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
III. NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI, NGUYÊN NHÂN
Trong thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi từ tiến trình đổi mới, An Giang cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế trong nước, tình hình của Tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc nói riêng.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số vẫn còn chậm phát triển, ở các huyện có đông đồng bào dân tộc; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của tỉnh, giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc vẫn còn cao; kết cấu hạ tầng cơ sở tuy có bước phát triển nhưng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; kinh tế hộ gia đình chủ yếu vẫn mang tính sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp; tình trạng di cư tự do còn diễn biến phức tạp, một số hộ còn thiếu đất ở, đất sản xuất; một bộ phận đồng bào dân tộc còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, chưa có ý chí vươn lên thoát nghèo; chất lượng, hiệu quả giáo dục cho con em đồng bào dân tộc chưa cao; việc đào tạo nghề chưa được quan tâm đúng mức, chưa đào tạo được lực lượng lao động tay nghề cao đáp ứng tình hình mới; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, phòng và khám chữa bệnh do phong tục tập quán, giới hạn ngôn ngữ; một số bản sắc tốt đẹp trong văn hoá của dân tộc Khmer đang bị mai một do thiếu quan tâm đầu tư; hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc chưa thực sự mạnh, trình độ của đội ngũ cán bộ người dân tộc còn thấp, cán bộ phụ trách công tác dân tộc hoặc kiêm nhiệm công tác dân tộc còn thiếu tâm huyết; công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số chưa kịp theo nhu cầu.
Những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế nêu trên chủ yếu là do những nguyên nhân cơ bản như sau:
Nguyên nhân của kết quả đạt được là do: cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã quán triệt tốt các chủ trương, chính sách dân tộc, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều hướng đến chăm lo cho đồng bào các dân tộc. Trong thực hiện chính sách dân tộc, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ cán bộ công chức làm công tác dân tộc luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc tổ chức triển khai các chính sách dân tộc đúng như qui trình, qui định, hướng dẫn của trung ương; được sự ủng hộ, tham gia của người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do: Địa bàn vùng dân tộc và miền núi rộng lớn, địa hình phức tạp, đồng bào dân tộc ở nhiều vùng sâu, vùng xa sống phân tán, đi lại khó khăn, ít có cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ, khoa học công nghệ tiên tiến. Do lịch sử để lại, kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc còn kém phát triển, mang nặng tính tự cấp, tự túc, dựa nhiều vào tự nhiên; phương thức sản xuất, tập quán canh tác còn lạc hậu, chưa nắm bắt kịp những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại để áp dụng vào sản xuất, chưa khai thác hết mọi tiềm năng sẵn có tại địa phương. Nhận thức của các cấp, các ngành và của cán bộ, đảng viên về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc một số nơi chưa thực sự sâu sắc, toàn diện. Một số chính sách dân tộc chưa được cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của địa phương; chưa chủ động khơi dậy và phát huy tốt các nguồn lực của địa phương. Mặt trái của các chính sách đã tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống tổ chức làm công tác dân tộc ở cấp huyện chưa được kiện toàn, hoàn thiện, nhân lực còn thiếu. Các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng khó khăn về đời sống, trình độ dân trí còn thấp của đồng bào dân tộc và những sai sót của các cấp, các ngành để kích động khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự, chính trị, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
PHẦN THỨ HAI
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN
TỪ NAY ĐẾN NĂM 2019
I. MỤC TIÊU CHỦ YẾU
1. Tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, dự án đầu tư góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc trong cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2019 giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 10% (theo chuẩn nghèo hiện hành); có 90% hộ dân tộc có điện sinh hoạt; trên 85% hộ sử dụng nước sạch.
2. Nâng cao trình độ dân trí; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc; đến năm 2019, tỷ lệ trẻ em dân tộc trong độ tuổi (6 - 14 tuổi) đến trường đạt từ 80% trở lên; đẩy mạnh việc dạy và học chữ Khmer, Hoa, Chăm; được chăm sóc sức khỏe tốt, hạn chế mức thấp nhất các loại dịch bệnh nguy hiểm.
3. Củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; hoàn thiện hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở các xã, thị trấn vùng có đông đồng bào dân tộc; nâng cao vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia thực hiện tốt chính sách dân tộc.
4. Giữ vững ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc, nhất là ở những địa bàn xung yếu, trọng điểm, làm tốt công tác đối ngoại với chính quyền nước bạn Campuchia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và đoàn kết.
II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
Để phát huy thành tựu đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác dân tộc, cần tiếp tục tập trung thực hiện các công việc sau:
1. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác dân tộc; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; Chỉ thị số 68-CT/TW về công tác ở vùng đồng bào Khmer, Chỉ thị số 62-CT/TW về tăng cường công tác người Hoa và Chỉ thị 06/2004/CT-TTg về công tác đối với đồng bào Chăm, thực hiện tốt nguyên tắc “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”.
2. Tập trung tổ chức quản lý, chỉ đạo phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nhiều nguồn lực đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc; triển khai kịp thời các chính sách đến với bà con hộ nghèo dân tộc để được hỗ trợ đất ở, học nghề giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, Chăm; có chính sách khuyến khích, ưu đãi để đồng bào dân tộc Hoa phát huy kinh nghiệm, nguồn vốn, tay nghề, mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
3. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, thực hiện chính sách cử tuyển cho học sinh người dân tộc; củng cố, xây dựng cơ sở trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập; xây dựng mới Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh An Giang dành cho học sinh Khmer, Chăm ở thành phố Châu Đốc, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên (cấp huyện), thành lập Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn (cấp huyện) trên cơ sở cải tạo Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh hiện nay dành cho học sinh Khmer. Có kế hoạch hỗ trợ để đồng bào Hoa có trường dạy Hoa ngữ (song ngữ Hoa - Việt), đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên dạy tiếng dân tộc.
Có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để khôi phục các loại hình thể thao, văn hoá, văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc, tạo ra sự đa dạng, phong phú đậm đà bản sắc dân tộc về nội dung và hình thức trong các hoạt động lễ hội hàng năm của tỉnh.
Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, vận động thực hiện hiệu quả chương trình dân tộc với kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, đảm bảo vệ sinh môi trường ở vùng đồng bào dân tộc.
4. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc. Tăng cường cán bộ công tác ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ khoa học kỹ thuật người dân tộc. Kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ phụ trách công tác dân tộc ở cấp tỉnh và huyện, đề xuất tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ Phòng Dân tộc cấp huyện; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay.
5. Phát huy gương người tốt việc tốt, gắn với các cuộc vận động giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; chú trọng khai thác sáng kiến, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân có thành tích nổi bật, nhân điển hình tiên tiến, đề cao ý thức tự lực tự cường, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại trong đồng bào dân tộc.
6. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở các vùng dân tộc ngày càng vững mạnh, nắm bắt mọi diễn biến, tình hình, kịp thời phát hiện ngăn chặn và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, ý thức chấp hành pháp luật, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự ở vùng dân tộc.
Nâng cao vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, làm tốt công tác vận động, tranh thủ và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; tạo mối quan hệ mật thiết giữa nhà chùa, thánh đường với chính quyền, mặt trận và người dân trong vùng đồng bào dân tộc để thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Dân tộc tỉnh tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai quán triệt, cụ thể hóa mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc phù hợp từng địa phương, từng vùng. Phối hợp với các đơn vị, sở ban ngành các cấp chỉ đạo kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cùng Ban Dân tộc và các sở, ngành tỉnh có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của đơn vị địa phương mình cụ thể hóa các nhiệm vụ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương theo từng giai đoạn nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
3. Ban Dân tộc phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể thực hiện tốt mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra.
Trên đây là dự thảo báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh An Giang thời gian qua và phương hướng nhiệm vụ công tác dân tộc giai đoạn 2015-2019.
Đại hội kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và đồng bào các dân tộc tỉnh An Giang hăng hái thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển” như Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra./.